Nội dung tinh thần của nghi thức thống hối trong Thánh Lễ
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Phần nghi thức thống hối, Sách lễ Rôma đưa ra 3 mẫu thống hối như sau:
- Công thức thứ I gồm kinh Thú tội (Tôi thú nhận cùng …) + kinh Thương xót;
- Công thức thứ II gồm hai câu nài xin lòng thương xót của Chúa + kinh Thương xót:
- Linh mục: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con / Cộng đoàn: Vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa.
- Linh mục: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con / Cộng đoàn: Và ban ơn cứu rỗi cho chúng con;
- Công thức thứ III:
- Linh mục: Lạy Chúa Kitô, Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn sám hối. Xin Chúa thương xót chúng con / Cộng đoàn: Xin Chúa thương xót chúng con
- Linh mục: Lạy Chúa Kitô, Chúa đã đến trần gian để kêu gọi những người tội lỗi. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con / Cộng đoàn: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
- Linh mục: Lạy Chúa, Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con / Cộng đoàn: Xin Chúa thương xót chúng con.
Có thể nói, từ khóa của phần nghi thức thống hối là xưng thú qua cụm từ “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm…” như được đọc trong kinh “Tôi thú nhận…”. Nhưng ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, hạn từ xưng thú còn có nghĩa là can đảm tuyên xưng niềm tin. Do vậy, nhìn nhận tội lỗi của mình cũng có nghĩa là các tín hữu diễn tả đức tin của mình vào tình thương của Thiên Chúa và nói lên lời cảm tạ tri ân vì ơn tha thứ của Ngài.
Thêm nữa, cụm từ khẩn cầu “Xin Chúa thương xót” (Kyrie eleison) trong nguyên ngữ Hy Lạp không có ý hướng là chúng ta đấm ngực ăn năn vì “là tội nhân trong bàn tay giận dữ của Thiên Chúa”. Đúng hơn, “Xin Chúa thương xót” có nghĩa là một sự tuyên xưng ngợi khen (confessio laudis) Thiên Chúa là Đấng hằng thương xót con người được thể hiện một cách cụ thể qua hoạt động chữa lành của Đức Kitô (x. Mt 9,27; 20,3031; Mc 10,47; Lc 17,13; Mt 15,22; Mt 17,14).
Theo tác giả A.G Martimort và J. Gelineau, người ta không được biến nghi thức thống hối thành cuộc xét mình với bảng liệt kê các tội. Tất nhiên, căn cứ vào công thức thống hối thứ II, trước hết chúng ta được mời gọi nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, chỉ đơn giản như thế. Không dừng lại ở đây, vì ngay lập tức sau đó, chúng ta hướng đến lòng từ bi lân tuất của Chúa. Việc xét mình sẽ được tiến hành vào lúc thinh lặng sau Bài đọc I, sau Bài đọc II và sau Bài giảng. Khi đó, chúng ta đối chiếu cuộc đời mình với Lời Chúa vừa được công bố và giải thích để nhận ra những thiếu sót cũng như lầm lỗi của mình (x. Gn 3,110; Lc 3,1-18; Cv 2,14-41).i
Chúng ta biết rằng, từ ban đầu, tức thế kỷ thứ V, kinh Thương xót thực sự đã từng là một lời tung hô vui mừng ca ngợi Thiên Chúa. Nhưng rồi kinh này mất đi sắc thái đó, Giáo Hội cảm thấy nhu cầu phải đưa điều gì đó rạng rỡ vui tươi vào, đặc biệt trong các ngày đại lễ, thế là dẫn đến sự xuất hiện kinh Vinh danh trong Thánh lễ.ii Theo Mark Searle, kinh Thương xót cần mang âm hưởng vui tươi nhằm tránh xảy tình trạng trong phần nghi thức Nhập lễ mà ông ví von như một chiếc bánh “sandwich” (bánh mì kẹp) với hai phần bánh kẹp là bài ca Nhập lễ và kinh Vinh danh thì vui tươi phấn khởi, còn phần nhân ở giữa là kinh Thương xót thường có sắc thái buồn sầu.iii
Thật ra, lúc này, chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ. Chúa Giêsu đã trả giá cứu chuộc chúng ta một lần và chỉ một lần là đủ bằng việc Người đã chịu chết và sống lại hơn 2000 năm trước (x. Dt 9,11–14; 24–26). Nói cách khác, tội lỗi của chúng ta đã được đóng đinh vào thánh giá qua sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Giờ đây, chúng ta chỉ cần chấp nhận ơn tha thứ của Chúa với lòng tri ân cảm tạ và tuyên xưng lòng nhân hậu của Ngài.
Chúng ta có thể hiểu một cách sâu xa hơn tâm tình này khi suy niệm đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu tham dự bữa tiệc ở nhà ông Simon (x. Lc 7,36-50). Người phụ nữ tội lỗi đã cảm nghiệm được ơn tha thứ của Chúa và được Ngài ôm ấp vào lòng từ lâu trước khi bước vào phòng tiệc. Chị đã nhìn nhận rằng Thiên Chúa là Đấng công chính và đã đón nhận ơn tha thứ của Ngài. Chính nhận thức đầy hoan lạc về ơn tha thứ ấy đã thúc đẩy chị đến với Chúa. Vì thế, chị đến không phải để xin ơn tha thứ, nhưng là để biểu lộ lòng tri ân.iv
Như vậy, nghi thức thống hối không nên được hiểu một cách tiêu cực là chỉ hướng đến tội lỗi chúng ta. Đúng hơn, là thừa nhận rằng chúng ta cần đến ân sủng của Thiên Chúa qua Con của Ngài là Đức Kitô Giêsu trong Hy lễ Thánh Thể được cử hành.v
Từ những lý do được trình bày ở trên, chúng ta có thể đi đến kết luận thực hành sau:
- Không nên dùng ngôn từ thể hiện sự xét mình trong phần nghi thức thống hối của Thánh lễ.vi
- Các mẫu thống hối trong Thánh lễ không phải khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng luôn luôn khấn nguyện Chúa Kitô.vii Vì thế, nên loại bỏ bài hát “Nguyện cùng Cha nhân ái xin thương xót thân con tội tình…hay những bài hát có nội dung tương tự.
- Vào các ngày lễ mừng hay thời gian khác trong năm, nên chọn cử hành công thức thống hối thứ III như một cách thế để tập trung sự chú ý của cộng đoàn vào Chúa Kitô và chúc tụng Ngài. Những hình thức thống hối do Sách lễ Rôma đưa ra chỉ là kiểu mẫu chứ không bó buộc. Vì vậy, chủ tế có thể lựa chọn hoặc có thể tự sáng tác bằng những lời khác.viii
- Nên chọn hát những bài kinh Thương xót được sáng tác theo cung trưởng, nghĩa là mang âm hưởng hân hoan.ix Rất tiếc, một số nơi có thói quen chọn hát Bộ lễ mồ trong Thánh lễ an táng hay Thánh lễ giỗ vì như muốn hòa điệu vào cái chết của người quá cố. Điều này phản ánh tính cách bi thảm của cái chết như diễn ra trong Thánh lễ an táng thời kỳ trước Công đồng Vatican II. Nhưng theo tinh thần phụng vụ hiện nay, mọi Thánh lễ, kể cả Thánh lễ an táng và giỗ, đều là cử hành mầu nhiệm sự sống, công bố niềm tin phục sinh và niềm hy vọng vào sự sống đời đời trong Đức Kitô cũng như ca mừng mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô (x. Rm 6,4-8).x
- Vào các ngày Chúa nhật, đặc biệt là trong mùa Phục sinh, nên chọn nghi thức làm phép và rảy nước thánh thay cho nghi thức thống hối.
- Nên chọn lựa mẫu thống hối để cử hành cho phù hợp với ngày lễ và mùa phụng vụ. Chẳng hạn, không nên ngày nào cũng sử dụng mẫu thứ I “Tôi thú nhận….”, vì mẫu này thích hợp cách đặc biệt cho mùa Chay; Mẫu thứ II đặc biệt thích hợp với những ngày thường trong tuần và các Chúa nhật mùa Thường niên;xi Mẫu thứ III dùng cho các mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Phục sinh và mùa Thường niên.xii
- Đừng bao giờ hát kinh Thương xót, rồi chỉ đọc kinh Vinh danh.xiii
Chú thích
i Xc. Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành Mầu nhiệm Tạ Ơn (TS Đại Kết: 1996), 127. ii Xc. Erasto Fernandez, sss, The Eucharist – Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), tr. 23.
iii Xc. Mark Searle, Liturgy Made Simple (Collegeville – Minnesota: The Liturgical Press, 1981), tr. 37.
iv Trong tiếng Hip-ri, A-ram, Xy-ri không có động từ “cám ơn” hay danh từ “lòng biết ơn” nên phải dùng một từ ngữ khác để diễn tả, ở đây là từ “yêu mến” (Xc. Lc 7,42.44-46. 47) (FX. Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Luca dùng trong Phụng vụ Lời Chúa 2006, tr. 155).
v Xc. Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (New Jersey : Paulist Press, 1999), tr. 46-48.
vi Xc. Dennis C. Smolarski, SJ, How Not To Say Mass (New Jersey: Paulist Press, 2002), tr. 54-55.
vii Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration (Collegeville, Minesota: The Liturgical Press, 1997), tr. 120.
viii Dominic Thuần, sss, Cử Hành Thánh Lễ (Tủ sách Eymard, knxb), tr. 31-32.
ix Bộ lễ Ca Lên Đi 2 của linh mục nhạc sĩ Kim Long (cung F) có thể coi là một trường hợp điển hình nên được ưu tiên chọn hát cho mọi Thánh lễ, kể cả Thánh lễ Cầu cho các tín hữu đã qua đời. x Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 81.
xi Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form,
Celebration, tr. 119. xii Xc. Dennis C. Smolarski, Q & A: The Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2002), tr. 9.
xiii J. Leben, Để Sống Phụng Vụ (Edition du Cerf, 1986), tr. 88.