Nội dung bài hát của Tin lành trong Thánh lễ Công giáo
ROME (Zenit,org) Bài trả lời của linh mục Edward McNamara, giáo sư phụng vụ tại Đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum.
HỎI: Việc sử dụng âm nhạc tân thời trong Thánh lễ phải theo những tiêu chuẩn nào? Có được dùng những bài hát Tin lành không? Với những bài hát Tin lành, phải áp dụng những tiêu chuẩn nào? P.C., Honolulu, Hawaii.
ĐÁP: Trước hết cần phải nhớ lại rằng không được tùy tiện lựa chọn lời và nhạc, nhưng phải sử dụng những bản văn được phê chuẩn.
Khi giải thích những cách hát khác nhau cho Phần riêng trong Thánh lễ, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma cung cấp một lựa chọn thứ tư, cũng là lựa chọn cuối cùng, rằng được phép dùng “một bài hát phụng vụ xứng hợp đã được Hội đồng Giám mục hay Giám mục Giáo phận chuẩn y.”
Những lựa chọn khác là: (1) điệp ca trong Sách Lễ Roma hoặc Thánh vịnh trong sách Graduale Romanum được phổ nhạc trong sách này hay được phổ nhạc cách khác; (2) điệp ca theo mùa phụng vụ và Thánh vịnh trong sách Graduale Simplex; (3) bài hát trong một tuyển tập điệp ca nào khác có những Thánh vịnh đã được Hội đồng Giám mục hay Giám mục Giáo phận phê chuẩn, kể cả những Thánh vịnh được sắp xếp thành đáp ca hay được dệt thành thơ ngắt câu đều đặn (Số 48, số 86 và 87).
Riêng với Hoa Kỳ, Quy chế khẳng định: “Phải ghi nhớ rằng trong cuộc cử hành phụng vụ, việc ca hát có địa vị quan trọng xét như một phần thiết yếu và không thể thiếu được trong phụng vụ; mọi bản phổ nhạc cho các câu đáp và tung hô của giáo dân trong sách Nghi thức Thánh lễ và trong những nghi lễ đặc biệt phải được đệ trình cho Văn phòng Thư ký Phụng vụ thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ để xét duyệt và phê chuẩn trước khi phổ biến” (số 393).
Một số Hội đồng Giám mục đã phổ biến những tuyển tập thánh ca chính thức được phép dùng trong phụng vụ trong khi các Hội đồng Giám mục khác chưa thành lập được cơ quan phê chuẩn những bản văn được phổ nhạc. Giám mục giáo phận có thể đích thân quyết định cách thức phê chuẩn những bài hát dùng trong phụng vụ, ngài có thể phổ biến một tuyển tập thánh ca cho giáo phận, hoặc ngài có thể cho phép dùng sách thánh ca phụng vụ có imprimatur của một giám mục khác.
Điều quan trọng là phải hiểu rằng việc lựa chọn các bản văn và cung điệu hát trong phụng vụ không phải chỉ là sở thích cá nhân, nhưng phải đem lại điều sâu xa hơn nữa, ấy là sự hiệp thông trong Giáo Hội.
Nói chung, khi phê chuẩn lời ca, phải theo những tiêu chuẩn này: lời ca tuy được dệt thành thơ nhưng phải cảm hứng từ Thánh Kinh hay phụng vụ; lời ca cách này hay cách khác phải là lời tuyên xưng đức tin, nói lên những chân lý chính thống muôn thuở chứ không phải những vấn đề hiện nay.
Phải lưu ý như thế khi xét đến những bài thánh ca Tin lành. Những bài thánh ca đó có thể dùng trong phụng vụ miễn là hợp với giáo lý Công giáo. Bất cứ bài thánh ca nào chứa đựng giáo lý nghịch với giáo lý Công giáo, hoặc còn mơ hồ, thì không được dùng.
Thánh ca phụng vụ là để giúp cầu nguyện, và thánh ca phụng vụ phải tách bạch về phong cách và âm hưởng so với nhạc thế tục. Thánh ca là để nâng tâm hồn lên — chứ không phải để khiến người ta nhịp chân hay để đưa trí tưởng tượng bay lượn. Vì thế, đừng bao giờ lấy làm thánh ca những phiên bản “rửa tội” cho những nhạc phẩm đang nổi tiếng hoặc, như thường thấy hơn nữa, những nhạc phẩm được ưa chuộng từ các thế hệ trước. Thánh ca phải cố gắng diễn tả giá trị tôn giáo của bản văn, vì theo truyền thống phần lời ca luôn luôn quan trọng hơn phần âm nhạc và có thể nói lời ca là hồn của phần nhạc.
Rất dễ thông cảm với tình trạng thiếu thốn các bài hát phụng vụ, bởi lẽ sau khi được phép sử dụng ngôn ngữ bản địa, các giáo xứ bất chợt cảm thấy cần có thánh ca phù hợp với phụng vụ mới. Rất tiếc, những tuyển tập thánh ca La-tinh truyền thống có kèm theo lời ca bằng ngôn ngữ bản địa nay được coi là không đáp ứng đủ, thậm chí còn bị coi là lỗi thời hoặc không còn thích hợp nữa. Vì không có nhiều nhạc sĩ tài danh nên chưa kịp có những sáng tác giá trị trong khi nhu cầu phải có thánh ca mới đang ở mức khẩn thiết, vì thế hầu hết các giáo xứ vơ lấy những gì có trong tầm tay, trong đó có lắm thứ rất tệ bên cạnh một số tác phẩm hay.
Hầu như mọi quốc gia đều trải qua một thời kỳ đáng sợ về thánh ca, nhất là trong thập niên 1970. Tại Tây Ban Nha, người ta đặt lời mới vào các ca khúc cổ truyền của Hoa Kỳ hay Anh Quốc khiến cho các du khách phải nhíu mày khi nghe thấy trong Thánh lễ vang lên lời ca bằng tiếng Tây Ban Nha đặt theo giai điệu của bài “Nobody Knows the Troubles I’ve Seen” hoặc bài “Land of Hope and Glory“. Thậm chí, kinh “Thương Xót” và kinh”Thánh, Thánh, Thánh” được hát bằng giai điệu bài “Hey Jude” và bài “Help” của nhóm Beatles.
Cái phàm tục lấn vào lãnh vực thánh thiêng là một vấn đề tái đi diễn lại trong nền thánh nhạc của Giáo Hội. Cho đến nay, nạn thế tục hóa này luôn bị chống đối mạnh mẽ.
Ví dụ, thời Công đồng Trentô, nhiều giám mục phàn nàn vì người ta sử dụng những các giai điệu thế tục làm nhạc đề cho các bộ lễ đa âm, chẳng hạn có bộ lễ dựa theo một bài hát tục tĩu mang tên “Bacciami amica mia” (Kiss me, my dear). Thánh Piô X, với tư cách giáo hoàng và giám mục, cũng đã phản đối thứ âm nhạc theo kiểu nhạc kịch mang tính cá nhân chủ nghĩa trong các nhà thờ nước Ý.
Trong những năm gần đây đã thấy có sự cải thiện, tuy còn chậm lắm, ở nhiều nơi. Nhiều bài thánh ca truyền thống được phục hồi, thậm chí bình ca và nhạc đa âm cổ điển được dùng trở lại ít nhiều, một số nhạc sĩ đương đại đang giúp giải quyết những vấn đề trong âm nhạc phụng vụ.
Chẳng hạn, tại nước Ý đã có nhiều tác phẩm xuất sắc làm quy chuẩn cho các nhạc sĩ sáng tác bằng các ngôn ngữ khác. Nổi bật nhất có lẽ là tác phẩm của Đức ông Marco Frisina. Thánh ca của Đức ông, cảm hứng từ Thánh Kinh và phụng vụ, vừa có âm điệu đẹp lại vừa dễ nhớ, có thể để cho cộng đoàn hát hợp ca đơn giản hoặc để cho ca đoàn diễn hợp xướng bốn bè trang trọng.
Tuy có lẽ còn phải chờ qua nhiều thập niên nữa, nhưng hy vọng sẽ có được một tuyển tập thánh ca phụng vụ tốt đẹp phù hợp với các nguyên tắc của Công đồng Vatican II và truyền thống Công giáo chân chính.
Phanxicô dịch
https://zenit.org/articles/protestant–songs–at–mass/