Nội dung chủ đề đàn hát trong Phụng vụ
Antôn Tiến Linh 11.2.2020
- Chúng ta biết rằng nền âm nhạc Phụng vụ theo truyền thống và đường lối của Hội Thánh là nhằm để “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các linh hồn” (HIẾN CHẾ PHỤNG VỤ số 112). Vậy ắt hẳn đây là điều quan trọng nhất của chúng ta, những nhạc sĩ thánh ca, những ca trưởng phụng vụ, những ca viên, người đệm đàn… nói chung là những người đã và đang thành tâm thiện chí phục vụ Giáo hội bằng thánh nhạc. Và đây cũng chính là máu huyết, là mục đích chính đáng và duy nhất mà mỗi người làm công tác thánh nhạc đều phải hướng tới.
- Chúng ta phải cố gắng kiên trì tiếp cận và khám phá nền âm nhạc phụng vụ theo truyền thống và đường lối của Hội Thánh, nói cho chính xác và gần gũi hơn là âm nhạc trong lễ nghi phụng vụ. Mà âm nhạc trong lễ nghi phụng vụ Rôma khởi đi từ nền phụng vụ Do Thái, hầu hết cũng chỉ là hát Thánh vịnh, mà hát Thánh vịnh thì có cách thức riêng, có các cung hát dành riêng và buộc lòng chúng ta phải học mới biết! Hát thánh vịnh nghĩa là đọc các câu thánh vịnh bình bình theo một nốt nhạc nào đó, thường thì đầu câu thánh vịnh thì lên giọng, và cuối câu thánh vịnh thì xuống giọng, tiếng Latin gọi là Psalere, tiếng Pháp là Psalmodier, còn tiếng Việt thì có lẽ nên gọi là Tụng Kinh.
- Các cung hát Thánh vịnh này thường dựa trên các Modus của nhạc Bình ca (Cantus planus). Xem các sách hát Graduale ta thấy ngay từ thời sơ khai, Giáo hội đã sử dụng trong phụng vụ 3 cách hát thánh vịnh: Thánh vịnh đáp ca, Thánh vịnh đối ca, Thánh vịnh đơn thuần. Tại các cộng đồng người VN từ trước tới nay, rất ít nơi thực hiện Thánh vịnh đáp ca và Thánh vịnh đối ca được dựa theo khuôn mẫu (formae) này, còn hát Thánh vịnh đơn thuần (tractus) thì thường sử dụng trong các giờ kinh thần vụ nên càng ít sử dụng trong các nghi lễ phụng vụ tại các cộng đoàn xứ đạo.
- Bên cạnh đó, ngay từ thế kỷ thứ 9, hình thức motetum (tạm gọi là đa âm điệu) đã được đưa vào trong lễ nghi phụng vụ tại các giáo đường, từ thế kỷ thứ 15 và 16 đã có nhiều tác phẩm motetum cổ kính đạt đến mức hoàn thiện lạ lùng, dưới sự hướng dẫn của những nghệ sĩ đại tài, đặc biệt là Palestrina và Vittoria, những tác phẩm đa âm điệu cùng với những tác phẩm viết riêng cho Đại quản cầm mà khi cất lên, nó làm gia tăng sự cung kính trang nghiêm và huy hoàng của thánh lễ (thông điệp Musicae Sacrae Disciplina số 11 và 12). Người viết ước mong các thành phần dân Chúa được tiếp cận hết những tác phẩm loại này, để qua đó chúng ta được mặc lấy một tâm tình thờ phượng, hấp thụ được tính thẩm mỹ khách quan và chính đáng của âm nhạc phụng vụ theo truyền thống.
- Dựa trên những tác phẩm truyền thống trong kho tàng thánh nhạc của Hội thánh nói chung, và của Giáo đô Roma nói riêng, các cung kinh nguyện cổ xưa, hoặc các tác phẩm bình ca, và nhất là những tác phẩm motetum kinh điển từ thế kỷ 16 trở về trước làm nền tảng, làm chất liệu căn bản… chúng ta cũng thấy kho tàng này đã được phát triển một cách tuyệt vời cả về tầm mức cũng như về kỹ thuật vào thời Baroque, có thể nói đây là giai đoạn hoàn thiện, một thời kỳ hoàng kim mà trước đó và sau đó đến nay các nhà chuyên môn chưa khám phá được những giá trị cao hơn. Các nhạc sĩ Thánh ca Việt Nam có thể dựa trên chuẩn mực của những tác phẩm này, cùng một kiểu cách, để sáng tác những tác phẩm âm nhạc phụng vụ sao cho phù hợp với ngữ điệu của dấu giọng tiếng Việt, phù hợp với bản sắc dân tộc, phù hợp với tác động phụng vụ mà không xa rời nguyên thể nguyên mẫu của hình thể âm nhạc phụng vụ theo truyền thống của Hội thánh. Dĩ nhiên vẫn phải tuân thủ đúng các quy tắc khách quan của nghệ thuật.
- Thời nay với phương tiện Internet, chúng ta có thể nghe và xem thấy các cách hát phụng vụ ngay tại Giáo đô Rôma trong các thánh lễ đại trào xưa cũng như nay, theo đó để chúng ta có thể học hỏi và áp dụng cùng cách thế sao cho phù hợp với hoàn cảnh, phong tục tập quán cũng như nền văn hoá nước ta.
- Chúng ta dễ nhận ra rằng dòng âm nhạc này xem ra còn lạ lẫm với nhiều anh chị em các ca đoàn người VN hiện nay, nói rằng dòng âm nhạc này lạ nhưng không mới, dòng âm nhạc này đã có từ rất xa xưa nhưng không cũ, lại rất có giá trị! Vì đa số ca đoàn các xứ đạo theo thói quen từ rất lâu, chỉ dùng có mỗi một thể loại ca khúc, một hình thể âm nhạc có cấu trúc dễ dãi nhất! Nên để gọi là trình bày hay quảng bá những bài hát mang hình thể âm nhạc khác với ca khúc thông thường trong thánh lễ ở các cộng đoàn người Việt sẽ như là một việc lội ngược dòng nước trong hoàn cảnh hiện nay.
- Nói tóm lại, để đàn hát đúng phụng vụ theo truyền thống của Giáo Hội, chúng ta phải học. Bởi lẽ, khi nói rằng nên hát như thế này, phải đàn như thế kia mà không có sự trưng dẫn cụ thể thì chúng ta khó nắm bắt được những đòi hỏi chính đáng của vấn đề!
- Vậy thế nào là đàn hát đúng phụng vụ theo truyền thống của Giáo Hội?
Huấn thị “Để thi hành Hiến chế Phụng vụ” năm 1970 số 3 quy định : “Các bản thánh ca phải phù hợp với vẻ tôn nghiêm của nơi thánh và việc phụng tự, chẳng những trong lời ca, mà cả trong âm hưởng, nhịp điệu và cách sử dụng các nhạc cụ nữa.” (x.Thông cáo 41/87).
Ngoài việc tuân thủ các quy tắc khách quan của nghệ thuật âm nhạc như hoà âm, bản đệm đàn, kỹ thuật ngón đàn, kỹ thuật chỉ huy… do yếu tố Bonitas formae (khoản 4a, Huấn thị về Âm nhạc trong phụng vụ) mà chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt về hình thể âm nhạc của tác phẩm nữa! Giả như nếu muốn hát ca nhập lễ, ca tiến lễ, và ca hiệp lễ thì phải hát những bài ca mang hình thể đối ca (Antiphona cum Psalmo suo) dĩ nhiên bản văn của bài ca phải dựa vào sách lễ Roma hoặc sách hát Graduale Romanum hoặc Graduale simplex (x.QCTQSL Roma số 26,50,56i) và muốn hát thánh vịnh đáp ca thì phải hát những bài thánh vịnh mang hình thể đáp ca (Responsorium), bản văn và hình thể âm nhạc dựa theo cuốn Graduale Romanum hoặc Graduale simplex (x.QCTQSL Roma số 36). Vậy những bản nhạc được sáng tác tuân thủ đúng những chuẩn mực này, và sử dụng đúng với vị trí của nó trong lễ nghi phụng vụ thì thật là hoàn hảo tuyệt vời. Vừa đúng bản văn phụng vụ vừa đúng hình thể âm nhạc lại tuân thủ các kỹ thuật khách quan, những tác phẩm này không cần phải có sự phê chuẩn của Đấng bản quyền địa phương vì bản thân nó đã thật sự hoàn chỉnh theo yêu cầu của Hội thánh mẹ. Theo lời của một cố linh mục đáng kính: “nó đã được phong thánh rồi”!
Đó là việc làm đúng!
- Bây giờ chúng ta tạm không xét đến việc phải có bản đàn như thế nào, phải hát tròn vành rõ chữ ra làm sao… chúng ta nói đến việc chọn bài để sử dụng, chúng ta dễ nhận ra rằng có nhiều nơi không có bài hát đúng hình thể đòi hỏi thì phải làm sao?
Xin thưa:
- “Tại một vài nơi được đặc quyền, người ta thường dùng những bài hát khác thay thế các bài ca nhập lễ, ca tiến lễ và ca hiệp lễ trong sách Graduale. Có thể giữ như thế tuỳ phán quyết của Đấng bản quyền địa phương, miễn là những bài hát đó hợp với các phần trong thánh lễ, và ngày lễ, cũng như mùa phụng vụ. Thẩm quyền địa phương phải phê chuẩn lời ca những bài hát đó” (Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ, số 32).
- Chúng ta có thể dùng một ca khúc nào khác, phù hợp với động tác phụng vụ lúc bấy giờ, phù hợp với tính chất của ngày lễ hay của mùa phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội Đồng Giám mục chuẩn nhận (x.QCTQSL Roma số 26).
- Đối với ca khúc thì tốt nhất chỉ nên sử dụng trong phụng vụ những bài Giáo quyền đã chuẩn nhận (Thông cáo số 1/94 về Thánh nhạc của ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN số 2a).
- Riêng đối với ca hiệp lễ còn có thể dùng một bài thánh vịnh, hoặc thánh thi hay một bài ca vịnh ngợi khen nào khác (x.QCTQSL Roma số 56i và 56k).
- Đó là chúng ta đang nói tới những bài hát mang hình thể ca khúc, những bài ca loại này có tên gọi là ca khúc bình dân tôn giáo (Canticum populares religiosi), các ca khúc này nhằm làm cho đời sống Ki-tô hữu thấm nhuần tinh thần tôn giáo và gia tăng lòng đạo đức cho các tín hữu. Các ca khúc loại này rất được ưa chuộng ở các ca đoàn Việt Nam. Hơn nữa, các nhạc sĩ thánh ca cũng thường sáng tác các bài ca mang hình thể này. Nó thường chiếm vị trí riêng trong mọi dịp lễ Ki-tô giáo, nơi cộng đoàn hay tại gia đình, trong hay ngoài nhà thờ, và đôi khi cũng có thể đưa vào sử dụng trong các lễ nghi Phụng vụ, theo những quy luật được nói ở số 13-15 trong Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng Vụ.
Muốn được sử dụng trong các lễ nghi Phụng vụ các ca khúc đó phải:
- Đúng Giáo lý công giáo.
- Dùng ngôn ngữ dễ hiểu, lời lẽ không rườm rà, câu văn không trống rỗng…
- Một loại âm nhạc đơn sơ, dù vắn và dễ, cũng phải có một cái gì trang nghiêm xứng đáng.
- Được các Đấng bản quyền cẩn thận canh chừng và phê chuẩn.
- Mặt khác, chúng ta cũng có thể độc tấu đàn đại quản cầm hoặc những nhạc cụ thích hợp nào khác, vào lúc linh mục tiến tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ (Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ, số 65). Và nên chơi đại quản cầm và có thể chơi lâu để chuẩn bị và kết thúc các buổi cử hành (x. Hoà Nhạc Trong Thánh Đường, số 7). Nói đến đây chúng ta đã hiểu được tầm quan trọng của đàn sĩ, tất cả các cộng đoàn rất cần những đàn sĩ tài ba dấn thân và kiên trì rèn luyện đúng đắn để phục vụ cộng đoàn.
- Thế là tạm thời chúng ta đã phân biệt được thế nào là “việc làm đúng” và “việc làm được phép”. Vậy là để có được “việc làm đúng” thì phải hiểu, muốn hiểu thì phải học! Ví dụ như nhạc sĩ khi sáng tác phải biết mình sáng tác bài này với mục đích gì, sử dụng lúc nào, bản văn phụng vụ… hoặc như ca trưởng muốn được điều này thì anh phải biết thẩm định trong việc chọn bài và tập dượt dạy hát cho ca đoàn một cách tử tế, và anh chỉ nên chọn những bài trước hết là phù hợp với những điều của “việc làm đúng” như đã mô tả, tất cả những điều đó phụ thuộc vào kiến thức và lương tâm trách nhiệm của anh. Còn nếu anh có sự nghi ngờ hoặc so đo trong việc chọn bài thì “việc làm được phép” sẽ giúp anh cứ vô tư chọn lựa những bài đã được phê chuẩn (gồm có Nihil obstat của một censor và Imprimatur của Giám mục)… Nói đến đây người viết không tránh khỏi những băn khoăn; chẳng qua là vừa rồi tôi có xem qua một số bài thánh ca mà ngộ ra vài vấn đề nan giải, về âm nhạc của một số bài này không mấy giá trị, hơn nữa khá là tầm thường với một bố cục không cân đối (điều này cũng dễ tha thứ) và nét nhạc không có gì là cụ thể (cũng dễ bỏ qua mà không phải xem xét), nhưng quan trọng nhất vẫn là lời ca hoàn toàn không ổn, không ổn cả về Giáo lý và không ổn cả về lối hành văn… thế mà lại được in trong cuốn sách có Nihil obstat và Imprimatur hẳn hoi!…
Bản thân người viết đã làm công việc kiểm duyệt trong Ban Thánh nhạc của TGP Sài-gòn từ năm 1986 đến nay, nên rất nhạy cảm với chuyện này và lo lắng rằng nền thánh nhạc nước ta không biết rồi sẽ đi về đâu nếu “sức mạnh của sự quen biết” thống trị chúng ta!… Nhớ lại hồi bấy giờ, vì hoàn cảnh xã hội và nhiều lý do mà Ban Thánh nhạc Sài-gòn phải làm công việc duyệt xét khá ngặt nghèo, bất kỳ một tác phẩm nào muốn có chữ Nihil obstat cũng đều phải thông qua 3 tổ chuyên trách: Âm nhạc – Kinh thánh – Ngôn ngữ.
- “Việc làm đúng” ở đây xem ra chưa được nhiều anh chị em ca đoàn các xứ đạo đón nhận, hơn nữa, một số đấng bậc còn cho là đàn hát như thế thì “buồn” nên không hấp dẫn, một số cho là “khô” nên không có cảm xúc, không thu hút, một số khác lại cho là “cổ xưa” nên không quen, hoặc quá nghiêm túc và không phù hợp với giới trẻ, cũng như không phù hợp với tình cảm người Việt nói chung, thánh nhạc VN nói riêng trong thời đại hiện nay. Rõ ràng là nếu ca đoàn nào can đảm dấn thân trong “việc làm đúng” này thì có lẽ họ đang đi trên một con đường không được trải đầy hoa.
- Có thể nói tóm lại, chúng ta đàn hát trong phụng vụ không phải là để phục vụ cho những cảm xúc của con người; chúng ta đàn hát trong phụng vụ là một việc thờ phượng đích thực, việc này trước hết là để hướng tới và tôn vinh Thiên Chúa, kế đến là nhờ vào việc quy hướng về Thiên Chúa mà các tâm hồn tham dự việc thờ phượng được thánh hoá, nghĩa là các tâm hồn được nâng lên cùng Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự thánh thiện và tốt lành, nên khi được kết hiệp mật thiết với Người, chúng ta tiếp nhận được nguồn hoan lạc, niềm hy vọng, nguồn sức sống, sự bình an… Mục sư Rick Warren cũng có nhận định đáng suy nghĩ: “Nói về mặt tình cảm, nhiều người nhầm lẫn khi nghĩ rằng việc cảm động bởi âm nhạc là việc được Thánh thần tác động; hai việc này hoàn toàn khác nhau. Thờ phượng đích thực xảy ra khi tinh thần bạn đáp trả Thiên Chúa, chứ không phải là rung cảm trước vài cung nhạc. Quả vậy, một bài hát uỷ mị đi vào lòng người đã ngăn cản việc thờ phượng, bởi chúng không quy về Thiên Chúa mà quy về những cảm xúc của chúng ta”.
- Thiết tưởng cũng cần nói thêm, công việc đàn hát trong phụng vụ là để tâm hồn chúng ta được thánh hoá. Chúng ta thử nghiệm xem, nếu trong thánh lễ mà khi ca đoàn hát kèm với nhiều tiếng trống chiêng inh ỏi, hoặc tiếng đàn organ chói tai, ban nhạc xập xình lấn át tiếng hát của ca đoàn, tiếng hát thì như gào thét; hoặc có khi ngược lại, ca đoàn và ban nhạc cất tiếng lên thì cả nhà thờ như đắm mình vào trong một điệu nhảy ở vũ trường, hoặc nhẹ hơn là khi đang hát mà vô tình có sự cố khiến ca đoàn im bặt rồi khúc khích cười, hoặc ai đó trong ca đoàn hát sai khiến ca trưởng tỏ ra khó chịu, cùng biết bao chuyện khác khiến cho cộng đoàn tham dự bị chia trí lo ra… thế thì tâm hồn ta làm sao có thể được thánh hoá, và cộng đoàn thì càng không thể! Hiện tượng khá phổ biến tại các xứ đạo. Mà nếu chúng ta hiểu cho đúng ý nghĩa của công việc cao quý này, thì ngay cả khi ca đoàn nếu không được chuẩn bị tập dượt chu đáo khiến cho việc đàn hát có bất trắc sai lỗi là chúng ta cũng đã phạm tội rồi!
- Ước mong “việc làm đúng” sẽ là linh đạo của những người phục vụ Giáo hội bằng thánh ca thánh nhạc, đặc biệt là thánh nhạc phụng vụ, từ đó nền thánh nhạc phụng vụ theo đúng nghĩa sẽ được phát triển một cách có khoa học hơn, hiệu quả hơn, đem nhiều lợi ích cho cộng đồng hơn…