Thế giời này là Bàn Thánh
Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, thế giới Kitô giáo gồm mọi chi nhánh đang cử hành “Mùa Tạo Dựng” (từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 4 tháng 10) để hướng tâm tình cầu nguyện đến những vấn đề liên quan tới môi trường và công trình sáng tạo của Thiên Chúa xét như một toàn thể. Bài hát nhỏ này mong đồng vọng được phần nào ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Laudato si (năm 2015): toàn thể vũ trụ là một bàn thánh, và toàn dân thờ phượng, nhất là thờ phượng trong Thánh Lễ, là một cộng đoàn cùng hướng đến sự viên mãn của vũ trụ và nhân loại nơi Đức Kitô.
Sáng tạo tìm được ý nghĩa cao cả nhất của mình trong bí tích Thánh Thể. Hồng ân hướng đến sự biểu lộ theo cách khả giác, đạt được cách biểu lộ khác thường khi Thiên Chúa làm người, trở thành lương thực cho thụ tạo. Nơi đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa đã muốn tiến vào sâu thẳm của chúng ta qua một chút vật chất. Không phải từ trên cao xuống, nhưng từ trong thâm sâu tiến ra, để chúng ta có thể gặp gỡ Người trong thế giới của chúng ta. Trong bí tích Thánh Thể, sự viên mãn đã được hiện thực; đó là trung tâm đời sống của vũ trụ, điểm xuất phát tràn đầy của tình yêu và cuộc sống vô hạn. Kết hợp với Ngôi Con Nhập Thể đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, bí tích Thánh Thể tự tại là một hành động tình yêu mang tính vũ trụ: “Vâng, mang tính vũ trụ! Vì ngay cả khi được cử hành trên bàn thờ nhỏ trong một nhà thờ vùng quê, người ta vẫn luôn cử hành với một ý nghĩa xác tín trên bàn thờ của thế giới”. Bí tích Thánh Thể kết hợp trời với đất, ôm trọn và thẩm thấu vào tất cả sáng tạo. Thế giới xuất phát từ bàn tay của Thiên Chúa, quay về với Người trong một sự thờ phượng thánh thiện và viên mãn. Trong Bánh Thánh Thể “cả sáng tạo hướng đến việc thần hoá, đến các tiệc thánh, đến sự kết hợp với Đấng Sáng Tạo”. Vì thế, bí tích Thánh Thể cũng là nguồn ánh sáng và động lực cho việc chăm sóc môi trường và mời gọi chúng ta trở thành những người gìn giữ toàn thể sáng tạo. (Laudato si, 236 – Bản dịch của linh mục Nguyễn Văn Trinh)
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại những ý tưởng trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistica của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (năm 2003):
Khi tôi nghĩ đến Bí Tích Thánh Thể, đồng thời nhìn lại cuộc đời linh mục, giám mục và người kế vị Thánh Phêrô của tôi, tự nhiên tôi nhớ đến rất nhiều lúc và nhiều nơi mà tôi đã cử hành thánh lễ. Tôi nhớ đến nhà thờ giáo xứ Niegowic, nơi mà tôi đã thi hành lần đầu tiên chức vụ mục tử của tôi, đến nhà thờ Saint-Florian ở Cracovi, đến nhà thờ chính tòa Wawel, đến vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và nhiều vương cung thánh đường khác và các nhà thờ ở Rôma và trên khắp thế giới. Tôi đã được cử hành thánh lễ trong nhà nguyện trên triền núi, trên bờ hồ, trên bãi biển, tôi đã dâng thánh lễ trên bàn thờ dựng ngay trong sân vận động, trên công trường các thành phố? Những khung cảnh khác nhau ấy của những lần cử hành Bí Tích Thánh Thể làm cho tôi cảm nhận mãnh liệt tính cách phổ quát của chúng và có thể nói là tính cách vũ trụ. Đúng thế! Vũ trụ! Vì dù thánh lễ được cử hành trên một bàn thờ nhỏ của một nhà nguyện thôn quê đi nữa, Bí Tích Thánh Thể vẫn được cử hành theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Bí Tích Thánh Thể là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao gồm và thấm nhập toàn thể thụ tạo. Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời. Chính vì thế mà Ngài, linh mục thượng phẩm đời đời, khi bước vào cung thánh vĩnh cửu nhờ máu đổ ra trên thập giá, Ngài đã hoàn lại cho Đấng Tạo Thành và là Cha toàn thể thụ tạo được cứu chuộc. Ngài thực hiện điều đó nhờ tác vụ linh mục của Giáo Hội, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh. Chính thực đó mới là mầu nhiệm đức tin (mysterium fidei) được thực hiện trong Bí Tích Thánh Thể: thế gian thoát thai từ tay Thiên Chúa Tạo Thành, trở về với Ngài sau khi đã được Chúa Kitô chuộc lại.
(Ecclesia de Eucharistica, 8 – Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin).
Cũng trước Đức Phanxicô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từng bày tỏ tương tự khi ngài liên kết phụng vụ Công giáo với tư tưởng của linh mục Dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955). Theo cha Teilhard de Chardin, con người tiến hóa qua các giai đoạn. Lúc đầu, có geosphere (địa quyển) là vật chất vô tri vô giác; vật chất ngày càng trở nên phức tạp hơn và có ý thức cao hơn, tiến lên biosphere (sinh quyển) tức thực vật, động vật và con người. Trong giai đoạn biosphere (sinh quyển), con người cùng các sinh vật “sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” và tương tác, giao thoa làm thành một bức tranh muôn hình muôn vẻ để rồi tiến đến noosphere (trí quyển); chúng ta hiện nay đang ở cuối giai đoạn phân tán và bắt đầu tiến đến sự hợp nhất. Ở điểm này, khác với Charles Darwin, cha Teilhard cho rằng sự chiến thắng của loài người trong cuộc tiến hóa không hệ tại ở thế mạnh được yếu thua, nhưng là ở khả năng hội tụ và hợp nhất; ở giai đoạn cuối, noopsphere hình thành, trong đó con người dần dần đồng quy và tiến đến sự hợp nhất tối hậu mệnh danh là Điểm Ô-mê-ga (x. Kh 1:8; 21:6; 22:13). Tác giả Teilhard đã tóm lược giai đoạn tiến hóa này bằng câu nói nổi tiếng: Tout ce qui monte, converge (All that rises must converge) = “Hết thảy những gì thăng tiến, ắt đồng quy.” Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong tác phẩm Tinh thần phụng vụ (xuất bản năm 2000, khi ngài còn là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger), đã liên kết nhãn quan của Teilhard de Chardin với Thánh Lễ Công giáo:
Đi ngược lại thế giới quan của thuyết tiến hóa hiện đại, Teilhard de Chardin mô tả vũ trụ như một tiến trình đi lên, tức một loạt những cuộc hiệp nhất. Từ chính những khởi điểm đơn giản, con đường này dẫn đến những cuộc hiệp nhất ngày càng trọng đại hơn, trong đó sự đa dạng không bị xóa bỏ, nhưng tan hòa vào một hợp thể ngày càng lớn thêm mãi, dẫn đến “Noosphere” (Trí quyển) là khi mà trí năng thấu triệt tất cả và tan hòa thành một cơ năng sống. Nại vào Thư Êphêsô và Thư Côlôsê, Teilhard coi Đức Kitô là nguồn năng lực ra sức vươn tới Noosphere, và rốt cuộc Người sẽ sáp nhập mọi sự vào sự “viên mãn” của Người. Từ đây, Teilhard tiếp tục đem lại một ý nghĩa mới cho phụng tự Kitô giáo. Bánh Thánh đã được truyền phép dự báo sự biến đổi và thiên linh hóa vật chất trong sự “viên mãn” theo ý nghĩa Kitô học. Theo Teilhard, phụng vụ Thánh Thể cho ta thấy được sự chuyển động của vũ trụ theo chiều hướng của nó; phụng vụ cho thấy trước mục đích của vũ trụ, đồng thời thúc đẩy vũ trụ tiến đi.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI còn bày tỏ thiện cảm dành cho linh mục Teilhard de Chardin trong bài giảng trước giờ kinh chiều tại Aosta, miền bắc nước Ý, ngày 24-7-2009. Đức Thánh Cha nói:
“Vai trò của linh mục là thánh hiến (truyền phép) thế giới để thế giới trở thành một tấm bánh sống động, trở thành phụng vụ. Đây cũng là tầm nhìn vĩ đại của Teilhard de Chardin: cuối cùng rồi chúng ta sẽ đạt tới phụng vụ vũ trụ đích thật, trong đó thế giới trở nên một tấm bánh sống động”
Phanxicô